Khi con làm anh: Thế giới này ai cũng yêu em, chẳng ai yêu con cả
Trên hết, điều quan trọng mà chúng ta cần chú ý đó là để tất cả các con của mình hiểu rằng chúng được yêu thương rất nhiều và chúng cực kỳ đặc biệt.
“Ai cũng yêu em, cả thế giới này không ai yêu con cả”
Lời nói này được thốt ra từ một em bé 4 tuổi của một người bạn. Tôi nghe cảm thấy hơi nghẹn lòng. Làm mẹ, bạn có cảm thấy điều này là bình thường không? Nếu là lời nói của con trai tôi, thì tôi sẽ cảm thấy dằn vặt ít nhiều. Ở trong hoàn cảnh đó, có lẽ đứa trẻ đã phải trải qua những mâu thuẫn tâm lý nhất định. Đôi khi cuộc sống gấp gáp khiến người lớn chúng ta lướt qua nhanh những biểu hiện bề ngoài của trẻ mà chẳng kịp dành cho trẻ những lời động viên cần thiết.
Trẻ con như búp trên cành. Thấu hiểu điều ấy, tức là cha mẹ cần học cách nâng niu từng cảm xúc của con. Tôi tin rằng những trải nghiệm tâm lý thời thơ ấu góp phần tạo dựng nhân cách của em bé trong tương lai. Nếu trẻ cứ tiếp tục sống trong suy nghĩ "thế giới này chẳng ai yêu mình" thì làm sao trẻ có thể tự tin và an vui làm những điều mình muốn. Tình yêu là một điều kì lạ, đôi khi khó lí giải. Nhưng đối với một đứa trẻ cỡ 3-4 tuổi, thì chúng sẽ hiểu yêu thương là quan tâm, là chia sẻ, là những giây phút được vui vẻ và hạnh phúc bên mẹ cha. Tổn thương tâm lý khiến đứa trẻ nghĩ rằng không ai yêu quý mình rất có thể khiến bé có xu hướng tự tách xa và khó hoà đồng với bạn bè. Bé có thể thường xuyên gây hấn hay bắt nạt em nhỏ. Tôi đã nghe kể không ít về những tình huống trẻ lớn hơn làm đau hay xô xát với em và ném cho em những ánh nhìn đầy vẻ hận thù. Bởi không muốn điều này xảy ra nên ngay từ khi mang bầu bé thứ 2, tôi đã luôn ý thức tới việc chuẩn bị tâm lý làm anh cho con trai lớn.
Bắt đầu từ khi nào?
Khi nhà có thêm em bé, nhiều thành viên trong gia đình sẽ dồn sự chú ý và quan tâm tới em nhiều hơn bình thường một chút. Điều này có thể làm cho bé lớn cảm thấy tủi thân. Ngay từ khi mang bầu, chúng tôi đã luôn nói với con về sự hiện diện của em bé trong bụng mẹ. Đọc cho con nghe những câu truyện có bối cảnh tương tự như là "Bubu thương em" hay "Chuột Típ có em" của nhà xuất bản Kim Đồng. Những câu chuyện như thế này giúp con hình dung ra những tình huống sẽ có thể xảy đến khi em chào đời. Qua đó, giúp con chuẩn bị tâm lý chủ động. Trong thời gian mang bầu bé thứ 2, chúng tôi luôn cố gắng giữ đúng thời gian biểu của con trai lớn như trước đó. Mỗi tối đi ngủ, con trai lớn đều đưa tay sờ bụng mẹ để thăm em. Tôi vãn nhớ, cả tháng trời sau khi tôi sinh bé thứ 2, con lớn vẫn cứ nói "Em bé ở trong bụng mẹ". Và không hiểu sao, con cứ chỉ em và nói "Con đấy". Gia đình tôi chào đón em bé thứ 2 êm đẹp như vậy. Thật may mắn vì con không bị nghe bất cứ một ai nói 2 từ bất hủ "ra rìa". Bị ra rìa vốn là cách trêu ghẹo không mấy hay ho, nếu không muốn nói là vô cùng dễ gây tổn thương cho trẻ.
So sánh là điều tối kị
Điệp khúc "con nhà người ta" ai nấy đều không muốn nghe. Tôi chắc chắn là 2 con tôi chúng cũng không hề thích bị so sánh với nhau. Hãy chú ý, chúng ta cực kì dễ buột miệng khi bị căng thẳng. Vì thế cần luôn tâm niệm "không so sánh" từ những việc nhỏ nhất. Ngay cả việc mẹ chồng tôi thỉnh thoảng nhận xét "thằng anh không bạo bằng thằng em" tôi cũng liệt vào những câu nói không nên. Nếu rơi vào tình huống này, bạn có thể chọn cách giống tôi là nói vui với bà, rằng "anh cũng tập trung lắm, rất kiên trì" chẳng hạn. Dù con bạn có mặt ở đó hay không thì bạn cũng nên phản hồi lại như vậy. Một phần giúp bạn hình thành thói quen luôn tìm ra ưu điểm của 2 anh em để khen ngợi. Và nếu con bạn có mặt ở đó thì điều này càng cần thiết hơn. Bạn sẽ chuyển tình huống ban đầu từ so sánh thành khen ngợi cả hai anh em. Đôi lúc vô tình bạn sẽ mắc phải điều tối kị này, thì cách "chữa cháy" trên cũng có thể áp dụng được. Luôn nhìn ra ưu điểm của con cũng là một cách giúp con tự tin hơn.
Hãy nói yêu thương thật nhiều
Tôi còn nhớ một người chị từng viết "khi có thêm con thì tình yêu phải nhân đôi chứ không phải chia hai". Tôi vô cùng lấy làm tâm đắc và ghi nhớ câu nói ấy để tự dặn lòng những phút yếu đuối. Tôi nói yêu con mỗi ngày, nói yêu anh lớn rồi yêu em bé. Nói lời yêu cũng phải đi đôi và có cặp như vậy đấy. Tôi hi vọng con sẽ luôn tự hào vì chúng tôi là một đội. Anh lớn giờ hơn 3 tuổi đã biết tính phần cho em khi mua sắm, khi ăn uống. Luôn là số 4 - vì nhà mình có 4 người.
Người kết nối
Con trai nhỏ chưa biết nói mà chỉ biết thể hiện cảm xúc qua nét mặt và điệu bộ. Mỗi lần như vậy tôi đều giải thích cho anh lớn hiểu. "Con đi học về em vui chưa kìa. Em gọi con đấy" hay "Em thích nhảy theo anh lắm đấy" , "Con làm thế là em cười đấy. Con thử lại mà xem". Khi có nhiều hơn một đứa con, cha mẹ cần đóng thêm vai trò "người kết nối" để chúng bắt đầu làm quen như những người bạn.
Đây là đồ của ai?
Tôi không có quan niệm là anh trai thì bắt buộc phải nhường nhịn em. Đồ đạc của ai người nấy có quyền sử dụng. Tôi yêu cầu bọn trẻ phải luôn hỏi ý kiến trước khi mượn đồ của người khác. Một tình huống rất vui là em thì hay đồng ý cho anh mượn đồ của mình. Trái lại, "cái tôi" của anh lớn ở tuổi 3-4 đang hình thành nên con rất cá tính, thường hay từ chối. Những lúc này, tôi khuyến khích con chia sẻ và hỏi con xem những lúc em chia sẻ với con thì con có vui không? Nếu sau đó con vẫn tiếp tục không đồng ý cho em mượn thì tôi sẽ hướng em bé đi tìm món đồ chơi khác. Đối với đồ ăn cũng tương tự. Thử tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu bị ép phải chia sẻ món đồ mà mình đang rất thích thú cho người khác? Tôi nghĩ là sẽ không mấy vui vẻ. Tôi không muốn con trai lớn luôn ở trong tâm trạng này với tư tưởng "làm anh là phải nhường em". Tôi muốn chúng tự kết thân và chơi với nhau trên nền tảng tình bạn. Thêm nữa, tôi không muốn con trai mình sẽ ỷ nhỏ mà đòi hỏi các anh chị lớn hơn phải nhường đồ chơi cho mình. Bọn trẻ cần sự nhất quán trong những tình huống tương tự nhau để hình thành thói quen cư xử thích hợp.
Mỗi đứa con đều đặc biệt và duy nhất
Khi đọc cuốn sách "Con là khách quý", tôi rất nhớ một chi tiết tác giả chia sẻ về một gia đình người Mỹ đông con. Đó là mỗi đứa trẻ đều được hưởng một ngày "hẹn hò" riêng cùng bố mẹ mà không có anh chị em nào khác đi cùng. Ngày hôm đó chỉ dành riêng cho đứa trẻ là "khách". Sáng kiến thật tuyệt. Mặc dù nhà có đông con nhưng bọn trẻ vẫn sẽ cảm nhận được mình đặc biệt thế nào. Chúng được bố mẹ dành riêng thời gian để lắng nghe mình tâm sự, được làm điều mình thích, ăn món mình muốn. Và điều này được lặp lại trong năm, lần lượt với từng đứa trẻ. Đương nhiên để làm được điều này cha mẹ cần thu xếp thời gian và bố trí người trông những đứa trẻ còn lại.
Làm gì khi trẻ xảy ra xích mích?
Dù luôn ý thức và cố gắng quan sát con tỉ mỉ nhưng ngay cả hai đứa trẻ nhà tôi cũng đôi khi xảy ra xích mích. Điều đầu tiên nên làm không phải là quát tháo ầm ĩ. Tiến đến gần và hỏi hai đứa xem có chuyện gì xảy ra là cách hay hơn. Đôi khi chỉ cần chăm chú lắng nghe chúng trình bày là chúng đã tự tìm ra cách giải quyết rồi. Can thiệp quá sâu cũng không hẳn là lựa chọn tốt. Bọn trẻ, dù lớn hay bé thì đều cần học cách tự giảng hòa và làm thân với nhau. Tôi hay định hướng con bằng các câu hỏi như “Làm sao thế con?” để nghe anh lớn trình bày rồi quay sang hỏi em bé bằng cách diễn đạt lại ý của anh xem như vậy có đúng không. Tôi sẽ quan sát gương mặt đứa bé hơn chưa biết nói để có một cuộc trò chuyện qua biểu cảm. Cũng hay đấy chứ? Ngần đấy thời gian đủ để 2 đứa trẻ bình tĩnh lại và nói cho bạn biết chúng muốn gì. Và chúng ta sẽ góp ý cho trẻ xem cách đó có ổn không, có thể tìm cách khác hay hơn không, hỏi đứa trẻ còn lại xem con có đồng ý với cách giải quyết như vậy không? “Mẹ nghĩ là …” là câu hay được tôi dùng làm mẫu để hướng dẫn con cách bày tỏ quan điểm của mình. Thường thì mâu thuẫn xảy ra khi ta không hiểu nhau muốn gì. Và học cách nói ra điều mình muốn để cùng bàn bạc với đối phương là điều tôi hướng tới. Tôi không thể nào cứ mãi chạy theo sau các con để làm “quan tòa” được.
Vậy đấy, nếu có nhiều hơn một đứa con và tuổi chúng cách nhau không nhiều, hẳn bạn cũng như tôi, sẽ ngập lụt trong nhiều câu chuyện rắc rối. Stress của bản thân, trẻ cãi lộn, đôi khi xử lý mâu thuẫn chưa thỏa đáng…Nhưng trên hết, điều quan trọng mà tôi cho rằng chúng ta cần chú ý đó là để tất cả các con của mình hiểu rằng chúng được yêu thương rất nhiều và chúng cực kỳ đặc biệt.
----------------------------------------------------
Tác giả: Mẹ Bún Đậu - RadioMe.vn
Thực hiện: Yo Le và nhóm sản xuất RadioMe
Nếu bạn có bất kỳ bài viết, tâm sự nào muốn chia sẻ, vui lòng gửi email về địa chỉ camxuc@i-com.vn
Tâm sự của một bà mẹ vượt qua khủng hoảng 'nuôi con còi'
Đừng ép trẻ ăn bằng roi, bằng la mắng. Có những việc làm với con mà hậu quả của nó tôi không lường hết được.
"Con, đừng khóc nữa!" - Câu nói tai hại bố mẹ vẫn nói với con hàng ngày
Khóc là chân thành và không thể cấm đoán. Đó là một cách hiệu quả để xử lý cảm xúc. Khóc, dù là khóc vì vui sướng hay đau khổ, là một việc hoàn toàn tự nhiên và rất con người.
Rùa và thỏ: chuyện chưa kể
Các con muốn những người lớn đừng cố gắng "vạch lá tìm sâu", cũng đừng nâng con lên tận trời mây cao vút, cũng đừng hơn thua đố kị.
Đừng gọi chúng tôi là ‘mẹ vụng’, đừng động đến niềm kiêu hãnh của chúng tôi!
Suy cho cùng, việc phán xét một người làm mẹ không làm cho họ tự tin lên, mà chỉ khiến họ nghi ngờ bản năng làm mẹ của chính mình.
Ấu thơ là một món quà
Ấu thơ là bản nhạc cả gia đình mình cùng sáng tác. Một bản nhạc không lời với những ký ức đôi khi vô định. Nhưng cảm xúc là thật, là thứ sẽ cùng mình đi mãi.
Phụ nữ sau sinh nên kiêng ăn gì?
Mẹ sau sinh cần tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, tinh bột và thật nhiều nước. Tuy nhiên, bạn có biết phụ nữ sau sinh nên kiêng ăn gì mới tốt?
Làm mẹ rồi, thì sao?
Là mẹ rồi, thì sao? Là chỉ được phép nghĩ về con? Là phải ở nhà với con bất cứ khi nào có thể? Là bất cứ phát ngôn nào cũng là về con ư?
"Tôi không muốn con mình hạnh phúc"
Tôi không muốn con mình lúc nào cũng vui vẻ. Tôi muốn con mình phải đối mặt với cuộc sống thật. Và điều đó có nghĩa là chúng sẽ phải trải qua rất nhiều trạng thái cảm xúc mỗi ngày.
Nghe Nhiều Nhất
- Có 1 kiểu phụ nữ khiến đàn ông cả đời...
- Hối tiếc cỡ nào cũng không sửa được quá khứ,...
- Sự may mắn không phải một chiếc bánh từ trên...
- 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang ngày càng trở...
- Phúc đức của người phụ nữ vào nửa đời còn...
- 4 kiểu phụ nữ sẵn sàng làm tình nhân cho...
- Cưới sớm hay muộn không quan trọng bằng tìm thấy...
- Phụ nữ muốn đàn ông mê mệt cả đời không...