Lý do tôi không bao giờ đứng ra phân xử mọi tranh cãi của các con

Thể hiện : Yo Le
Tác giả : Christine Organ
10-10-2016
  0   572

Là một người mẹ đồng nghĩa với việc tôi đảm nhận vai trò của rất nhiều người khác: một tài xế, người chuyên xoa dịu các vết thương nhỏ bằng những nụ hôn, người cưỡng chế giấc ngủ… Nhưng có một công việc mà tôi luôn cố gắng ít phải làm nhất có thể: một vị trọng tài. Trên thực tế, những nỗ lực để tôi phải đứng ra làm quan toà phân xử cho những mâu thuẫn, tranh chấp, cãi cọ hàng ngày của các con tôi thường bắt đầu bằng:

 

“Mẹeeeeeeee! Nó cứ thế này, nó thế nọ…”.

 

“Mẹ không muốn nghe đâu”.

 

“Nhưng mẹ ơi…”.

 

“Không. Mẹ không liên quan gì đâu nhé”.

 

“Nhưng mà mẹ…”.

 

“Nghe này, nếu con cứ khăng khăng lôi kéo mẹ vào chuyện tranh cãi của các con, con có thể không thích cách mẹ sẽ xử lý đâu”.

 

Con trai tôi sẽ dừng lại, thở dài và bỏ đi. Chỉ trong vòng vài phút, bất kể trận chiến có đang trên bờ vực căng thẳng tới mức chả khác nào khởi đầu của Chiến tranh Thế giới thứ 3 cũng sẽ được giải quyết mà không cần có sự can thiệp của tôi.

 

 

Thú thật, một phần nguyên do khiến tôi từ chối đóng vai quan toà phân xử cho các tranh cãi của bọn trẻ bắt nguồn từ bản tính lười biếng và bản năng tự bảo vệ mình của tôi. Tôi luôn ghét sự đối đầu, đặc biệt khi nó liên quan tới người mà tôi yêu thương. Chưa kể thời gian vốn dành để giao lưu với bạn bè của gia đình bỗng trở nên đặc biệt kém vui chỉ vì những cuộc trò chuyện giữa người lớn với người lớn của tôi bị chen ngang bởi bọn trẻ cùng mấy vụ cãi cọ tầm phào.

 

Hơn nữa, tham gia vào vụ cãi lộn của bọn trẻ, không nghi ngờ gì nữa, sẽ để lại những cảm xúc tiêu cực nơi con tôi, những đứa trẻ khác hoặc tất cả bọn trẻ. Tôi thực sự không cần phải biết về mọi lỗi lầm, nhất là những lỗi nhỏ xíu và có thể được giải quyết thông qua những hệ quả tự nhiên diễn ra sau đó.

 

Nhưng những lý do thực sự khiến tôi ủng hộ cách để bọn trẻ tự xử lý mâu thuẫn lớn lao hơn nhiều và ít vị kỷ hơn nhiều. Tôi tin rằng, giải quyết mâu thuẫn là một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong đời mà một người phải học. Nếu bạn là một người đang sống, đang hít thở, đang cảm nhận tương tác với người khác – những người cũng đang sống, đang hít thở, đang cảm nhận, chắc chắn sẽ có mâu thuẫn nảy sinh, không lúc này thì lúc khác. Sẽ có những cuộc chiến và những cảm xúc đau đớn. Sẽ có những bất đồng và hiểu lầm. Sẽ có sự khác biệt về quan điểm và những cuộc đấu tranh trong tâm trí. Các con tôi biết cách định hướng để vượt qua những “bãi mìn” cảm xúc đó càng sớm bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu.

 

Tôi muốn các con học cách lắng nghe, xin lỗi và tha thứ. Tôi muốn con tìm cách làm thế nào để thương lượng, để dàn xếp, để sẻ chia. Tôi muốn con luyện tập việc bỏ qua những thứ vớ vẩn. Khi đó, bọn trẻ có thể vững vàng đứng trên mặt đất nếu phải đối mặt với những vấn đề thực sự nghiêm trọng. Và cách duy nhất bạn học được những kỹ năng này là thông qua rèn luyện và tự mình trải qua những mâu thuẫn, xung đột đủ kiểu, ngay từ khi còn nhỏ.

 

Tôi cũng muốn các con tôi cảm thấy thoải mái khi tìm đến tôi vì chúng thực sự cần tôi giúp lúc mọi chuyện vượt ngoài tầm kiểm soát. Để làm vậy, chúng tôi cần xây dựng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau, biết rằng khi con tìm tôi nhờ giúp đỡ, đó là bởi vì chúng thực sự cần tôi giúp giải quyết chuyện gì đó nghiêm trọng. Nếu tôi lắng nghe mọi phàn nàn nhỏ nhặt về những chuyện người này đã làm thế này với người kia – những lời phàn nàn vốn đã bị nói quá lên nhiều lần vì bọn trẻ quả thực là những ngôi sao nhỏ trên sân khấu kịch – thì tôi sẽ phải mò mẫm đoán xem chuyện gì đó liệu có đúng là nghiêm trọng hay chỉ thuộc diện tầm phào.

 

Thay vào đó, bằng cách khuyến khích các con tự giải quyết vấn đề của mình, đặc biệt khi đó là những chuyện vặt vãnh, bọn trẻ sẽ cảm thấy thoải mái tìm đến tôi nếu gặp phải chuyện nghiêm trọng thực sự. Và chúng cũng sẽ có niềm tin rằng, cùng với nhau, chúng tôi sẽ tìm ra cách giải quyết.

 

 

Tránh sang một bên và không tham gia vào những chuyện tranh cãi của trẻ là rất khó khăn? Tất nhiên rồi. Bởi xu hướng tự nhiên của cha mẹ là luôn muốn giải quyết vấn đề cho con, muốn mở đường, muốn dọn đường cho con khỏi bất cứ thứ gì có thể khiến con đau đớn hay khó chịu, bao gồm cả những xung đột, tranh cãi vụn vặt với bạn bè và giữa anh chị em ruột trong nhà. Nhưng dù có vẻ đôi lần thật khó để làm như vậy, tôi vẫn buộc bản thân phải đứng ngoài lề và để bọn trẻ tự dàn xếp mấy vụ cãi lộn vì tôi biết rằng, cuối cùng, mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thôi.

 

Là cha mẹ, chúng ta có rất nhiều vai trò và trách nhiệm, không chỉ là làm cho những đứa trẻ tự lập của chúng ta trở thành những người trưởng thành tự lập. Trong việc trao cho trẻ không gian để tự mình xử lý rắc rối, chúng ta dạy cho con làm thế nào để là người tốt, là bạn tốt, với những mối quan hệ lành mạnh.

 

Do đó, vì lợi ích của con cái, tôi vấn nhất quyết không đóng vai trọng tài, quan toà mà để bọn trẻ tự giải quyết với nhau, mặc dù điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có thể khá lộn xộn trong quá trình xử lý.

 

-----------------------------------------

Tác giả: Christine Organ - Scarymommy

Dịch: Huyền Nguyễn/ Trí thức trẻ

Thực hiện: Yo Le và nhóm sản xuất RadioMe

Giọng đọc: Yo Le
Tác giả: Hân Hân

Khám phá trò chơi kích thích trí thông minh cho bé 9 – 10 tháng tuổi

Trong độ tuổi này, tư duy nhận thức về sự vật xung quanh của bé dần dần được nâng cao. Bạn có thể vận dụng các hình ảnh hoặc đồ chơi để giúp bé luyện tập và phát triển tư duy nhận thức này.

Giọng đọc: Yo Le
Tác giả: Hàn Vân

Cần ghi nhớ điều gì khi dùng siro ho và thuốc hạ sốt cho trẻ?

Siro ho, thuốc hạ sốt là hai loại thuốc bố mẹ thường dùng cho con nhất, nhưng cũng là hai loại dễ bị lạm dụng nhất. Cần ghi nhớ những nguyên tắc ghi dùng các loại thuốc này cho trẻ.

Giọng đọc: Yo Le
Tác giả: Hàn Vân

Mắng sao để trẻ chịu nghe lời

Thời điểm thích hợp nhất để chỉ trích trẻ là khi tâm lý trẻ đang ổn định. Khi chỉ trích thì cần chỉ trích vào hành động, không chỉ trích bản thân con người trẻ.

Giọng đọc: Yo Le

Không có người giúp việc, bạn và con sẽ hạnh phúc hơn

Đã có rất nhiều đứa trẻ có vấn đề vì người giúp việc cho xem tivi nhiều để họ làm việc, đút ăn bằng cách chạy rông hay cho xem tivi,v.v...

Sinh con - hành trình trải nghiệm kỳ diệu của mẹ

Sinh mổ, sinh thường hay sử dụng biện pháp gây tê màng cứng để giảm đau? Phương pháp sinh nào là tốt nhất

Giọng đọc: Yo Le
Tác giả: Thanh Loan

Nỗi lòng của bà mẹ có con biếng ăn

Có con biếng ăn thật là vất vả. Cứ mỗi lần đến giờ cho con ăn là như đi đánh trận, con khóc mẹ quát, ầm ĩ cả nhà.

Giọng đọc: Thanh Mai

Đừng sống vì con, hãy sống vì mình

Thế giới này, hồng quá cũng thành xám xịt, vui quá cũng trở thành buồn. Chở che quá lại trở thành lãng phí. Lãng phí cuộc đời của ba mẹ và của cả con.

Giọng đọc: Thanh Mai
Tác giả: Tzang

Hãy bảo vệ con bằng lý trí và sự thông minh

Hãy hướng dẫn bé những kỹ năng sinh tồn quan trọng trong cuộc sống ngay từ lúc bé có thể nói và hiểu bạn đang nói gì. Trong bài viết tôi xin đề cập đến một vài kỹ năng cơ bản nhất giúp các bé thoát khỏi những tai nạn...

Youtube

Facebook Fanpage

1